NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH KHÔ MẮT Ở TRẺ EM
Khô mắt ở trẻ em ngày càng phổ biến. Có nhiều yếu tố có thể gây khô mắt ở trẻ em như dinh dưỡng kém, thời gian tiếp xúc lâu với màn hình điện tử, dị ứng,… Đôi khi, nó có thể là một dấu hiệu của một tình trạng bệnh về mắt nghiêm trọng hơn.
Các chuyên gia cho rằng khô mắt thường hiếm gặp ở trẻ em hơn là người lớn. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng mọi người thường có thể bỏ qua và không chú ý bệnh khô mắt ở trẻ, làm cho tình trạng này không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Tương tự như người lớn, bệnh khô mắt cũng gây cảm giác khó chịu và đau cho trẻ. Nó có thể ảnh hưởng đến thị lực và khả năng thực hiện các hoạt động về học tập, vui chơi của trẻ.
Bài viết này thảo luận về tình trạng khô mắt ở trẻ em, bao gồm các nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị. Ngoài ra, bài viết cũng giới thiệu các biện pháp chữa trị tại nhà có thể giúp giảm bớt tình trạng khô mắt ở trẻ.
Tổng quan về khô mắt ở trẻ em
Khô mắt, còn được gọi là keratoconjunctivitis sicca hoặc bệnh khô mắt (DED), là tình trạng mất cân bằng áp suất thẩm thấu của màng phim nước mắt, gây ra các triệu chứng khó chịu liên quan đến mắt.
Hiện tại, chưa có số liệu đầy đủ về tỷ lệ khô mắt ở trẻ em. Tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ học về khô mắt ở trẻ em cho thấy những kết quả khác nhau. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc năm 2016 báo cáo rằng 6,6% trẻ em từ lớp một đến lớp sáu mắc bệnh khô mắt, trong khi một nghiên cứu tại Ấn Độ năm 2018 cho biết tỷ lệ này là 7,84% ở những người dưới 20 tuổi.
Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ (AAO) cũng nhận thấy sự không nhất quán giữa số trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh khô mắt và số trẻ được báo cáo có các triệu chứng khô mắt nghiêm trọng.
Phụ huynh hoặc người chăm sóc nên đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa nếu có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe mắt của con mình. Bác sĩ nhãn khoa có thể điều trị các trường hợp khô mắt nghiêm trọng hoặc các tình trạng liên quan.
1. Nguyên nhân gây khô mắt ở trẻ em.
Có nhiều yếu tố có thể gây khô mắt ở trẻ em, từ việc tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, dị ứng, dinh dưỡng kém, đến các tình trạng bệnh lý khác.
Thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây khô mắt ở trẻ em và tỷ lệ khô mắt do thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử ngày càng tăng.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh kéo dài có liên quan đến chỉ số bệnh lý bề mặt nhãn cầu cao hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ sử dụng điện thoại thông minh càng lâu thì tần suất nháy mắt càng thấp.
Tần suất chớp mắt thấp hơn làm tăng thời gian tiếp xúc của bề mặt nhãn cầu với môi trường và tăng bốc hơi nước mắt, dẫn đến sự mất ổn định của màng phim nước mắt và gây khô mắt.
Nghiên cứu năm 2016 nhấn mạnh rằng việc sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian dài có liên quan mật thiết đến bệnh khô mắt. Các hoạt động và sinh hoạt ngoài trời giúp bảo vệ và chống lại bệnh khô mắt ở trẻ em.
Các bệnh dị ứng mắt
Viêm kết giác mạc dị ứng, chẳng hạn như viêm kết mạc dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết giác mạc cơ địa atopic, viêm kết mạc gai nhú khổng lồ, là những yếu tố nguy cơ của bệnh khô mắt. Những loại dị ứng này có thể gây ra sự không ổn định của màng phim nước mắt, viêm và tổn thương bề mặt nhãn cầu, gây bất thường của hệ thần kinh cảm giác dẫn đến giảm phản xạ tiết nước mắt.
Các tình trạng viêm của mắt
Viêm bờ mi, rối loạn chức năng tuyến Meibomis (MGD) ảnh hưởng đến chất lượng màng phim nước mắt, gây tăng bốc hơi nước mắt và gây khô mắt. Tình trạng này có thể liên quan đến bệnh trứng cá đỏ hoặc các tình trạng viêm da khác.
Viêm kết mạc, giác mạc do các yếu tố nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, amip có thể gây tổn thương bề mặt nhãn cầu và mất ổn định của màng phim nước mắt cũng là những nguyên nhân gây khô mắt ở trẻ.
Dinh dưỡng kém
Thiếu vitamin A có thể gây ra những thay đổi trong các tế bào bề mặt mắt, liên quan đến metaplasia squamous (dị sản tế bào vảy) và xerophthalmia (bệnh khô mắt do thiếu vitamin A), ở những tình trạng này mắt không sản xuất nước mắt. Nghiên cứu chỉ ra rằng suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu hụt vitamin A ở trẻ em gặp các vấn đề như hội chứng kém hấp thu, rối loạn ăn uống, hoặc theo chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay.
Ngoài ra, thiếu vitamin D cũng là một nguyên nhân của khô mắt ở trẻ do dinh dưỡng kém.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tình trạng khô mắt trở nên nặng hơn, bao gồm thuốc bôi và thuốc toàn thân cho mụn trứng cá, thuốc kháng histamine, và thuốc nhỏ mắt có chứa chất bảo quản benzalkonium chloride (BAK).
Đeo kính áp tròng
Sử dụng kính áp tròng lâu dài cũng là một nguyên nhân gây khô mắt. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy đeo kính áp tròng Ortho-k làm xáo trộn màng phim nước mắt ngay từ lần đầu đeo và gây ra các triệu chứng khô mắt, mặc dù không làm gián đoạn việc tiết nước mắt trong quá trình theo dõi.
Các nguyên nhân khác
Trẻ bị hở mi, chớp mắt không kín, rối loạn mi mắt (ví dụ rối loạn Tic), mất cảm giác giác mạc bẩm sinh (Congenital Corneal Anesthesia).
Khô mắt ở trẻ liên quan đến bệnh toàn thân như bệnh nhãn giáp (graves opthalmopathy), tiểu đường.
Các bệnh lý viêm, tự miễn hoặc phản ứng miễn dịch như viêm khớp dạng thấp vị thành niên (Juvenile rheumatoid arthritis), hội chứng Sjogren, bệnh mảnh ghép – vật chủ đường tiêu hoá sau ghép thận (Graft-vs-host disease), bệnh viêm ruột mạn tính từng vùng (Crohn’s disease), hội chứng Steven – Johnson (Stevens – Johnson Syndrome, SJS), hồng ban đa dạng (Erythema Multiforme), hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis – TEN).
Các rối loạn bẩm sinh như:
- Bệnh rối loạn thần kinh thực vật có tính chất gia đình (familial dysautonomia)
- Hội chứng 3 chữ A hay hội chứng AAA, hội chứng này bao gồm achalasia, bệnh addison (thiểu năng tuyến thượng thận nguyên phát) và alacrima (thiếu nước mắt). Alacrima thường là biểu hiện sớm nhất.
- Hội chứng ma cà rồng – Ectodermal dysplasia syndromes (EDs)
- Multiple endocrine deficiency
- Bệnh xơ nang (cystic fibrosis)
2. Triệu chứng khô mắt
Khô mắt có thể gây kích ứng, khó chịu ở trẻ như ở người lớn. Các triệu chứng khô mắt ở trẻ em bao gồm:
- Trẻ dụi mắt thường xuyên
- Ngứa, châm chích hoặc nóng rát mắt
- Mỏi mắt, nóng và khô mắt
- Đỏ mắt
- Cảm giác dị vật như có cát hoặc bụi bẩn bên trong mắt
- Nhìn mờ
- Chảy nước mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Khó chịu khi đeo kính áp tròng
- Tiết dịch nhầy dạng sợi ở mắt
3. Phương pháp điều trị khô mắt
Mặc dù điều trị khô mắt ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của nó, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt để bổ sung hoặc duy trì độ ẩm của bề mặt mắt. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Nước mắt nhân tạo dạng dung dịch, gel hoặc mỡ
- Thuốc nhỏ mắt làm tăng tiết nước mắt
- Sử dụng puntals plugs (nút điểm lệ)
- Phẫu thuật đóng vĩnh viễn ống dẫn nước mắt – đốt punctals (sử dụng nhiệt độ cao hoặc hóa chất để đốt ống dẫn nước mắt )
- Sử dụng thiết bị y tế PROSE (Prosthetic Replacement of the Ocular Surface Ecosystem), nó là một thiết bị y tế đặc biệt được sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến bề mặt mắt, như mắt khô nghiêm trọng hoặc tổn thương giác mạc. Thiết bị này được thiết kế để cải thiện việc bôi trơn và bảo vệ bề mặt của mắt bằng cách tạo ra một môi trường ổn định và ẩm ướt cho mắt. PROSE device thường được sử dụng trong các trường hợp khi các phương pháp điều trị truyền thống không hiệu quả, và nó có thể cung cấp một giải pháp hiệu quả và thoải mái cho những người mắc các vấn đề về bề mặt mắt.
- Thuốc theo toa như corticosteroid nhỏ mắt, cyclosporine nhỏ mắt, thuốc điều hòa miễn dịch
4. Một số biện pháp khắc phục tại nhà cho bệnh khô mắt ở trẻ
Phụ huynh hoặc người chăm sóc cũng có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà để giảm bớt, điều trị khô mắt ở trẻ em. Những biện pháp khắc phục này bao gồm:
- Giảm thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử
- Sử dụng máy tạo ẩm
- Sử dụng thuốc nhỏ thường xuyên nếu trẻ đang sử dụng kính áp tròng
- Sử dụng nước mắt nhân tạo không chất bảo quản thường xuyên
- Đeo kính râm khi ra ngoài trời
- Dùng miếng chườm ấm ít nhất trong khoảng 5 phút mỗi ngày để kích thích sản sinh nước mắt
- Nghỉ giải lao khi dùng máy tính và điện thoại thông minh sau một thời gian dài sử dụng
- Tuân thủ quy tắc 20-20-20
- Chớp mắt thường xuyên
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và ăn những đồ ăn có lợi cho mắt
- Uống thực phẩm chức năng bổ sung axit béo omega-3 và các loại vitamin.
Chế độ ăn uống có thể khiến trẻ bị khô mắt như người trưởng thành. Điều này cũng đúng khi khô mắt là kết quả của một tình trạng cơ bản không được kiểm soát.
5. Kết luận
Bệnh khô mắt ở trẻ em là một vấn đề sức khỏe quan trọng mà các bậc cha mẹ cần nhận thức và quan tâm. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị lực và sức khỏe tổng thể của trẻ. Bằng cách duy trì thói quen chăm sóc mắt đúng cách và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, bạn có thể giúp con mình duy trì đôi mắt khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Tác giả: Nguyễn Đình Duy
Ref:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/dry-eyes-in-kids-causes-symptoms-and-treatment#symptoms
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5084437/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5819096/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32000988/
https://www.medicalnewstoday.com/articles/322228#risks
https://gomed.vn/bai-viet/bao-ve-mat-cua-tre-khi-hoc-online
https://gomed.vn/bai-viet /luu-y-dieu-tri-ca-kho-mat-va-can-thi-tien-trien-o-tre-em