Các loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt trong nhãn khoa được dùng rất phổ biến, chỉ định điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn như viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm bờ mi, chắp, lẹo. Cũng như ngăn ngừa các biến chứng nhiễm trùng nghiêm trọng sau phẫu thuật.
Trong bài viết này, GoMed chia sẻ cho các bạn hiểu biết kỹ lưỡng về các loại thuốc kháng sinh dùng cho mắt hiện nay.
Các cấu trúc của mắt có liên quan đến các bệnh lý nhiễm khuẩn
Sử dụng kháng sinh nhỏ mắt trong nhãn khoa
Ngày nay, thuốc kháng sinh trong nhãn khoa điều trị các mầm bệnh lý nhiễm khuẩn bằng các chế phẩm uống, bôi, tiêm và mỡ/gel tra mắt. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc kháng sinh nội nhãn và tại chỗ đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị dự phòng phẫu thuật các biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế với bất kỳ loại kháng sinh cụ thể nào liên quan đến cơ chế tác dụng, dược lực học, độc tính và khả năng dung nạp của bệnh nhân. Và có lẽ quan trọng nhất, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang nổi lên đã trở thành một trở ngại đáng kể trong việc điều trị thành công các bệnh nhiễm trùng, không chỉ trong nhãn khoa, mà đối với tất cả y học của con người.
Đường dùng kháng sinh trong nhãn khoa
Điểm khác biệt khi sử dụng kháng sinh trong nhãn khoa so với trong các bệnh lý khác chủ yếu liên quan đến đường dùng thuốc. Và điều mà bác sĩ nhãn khoa đều quan tâm khi sử dụng kháng sinh là đặc điểm của kháng sinh trong mắt và khả năng thẩm thấu của kháng sinh vào các tổ chức nhãn cầu.
Trong điều trị các bệnh ở mắt, tùy vào các tổn thương của mắt mà kháng sinh có thể được sử dụng tại chỗ, dưới kết mạc, trong tiền phòng hay toàn thân.
- Hầu hết các viêm nhẹ như viêm kết mạc và loét giác mạc nông thì chỉ cần dùng thuốc kháng sinh tra, nhỏ tại chỗ
- Còn đối với các trường hợp nặng như nhiễm trùng nội nhãn, hốc mắt, viêm kết mạc nặng (viêm kết mạc do lậu cầu hay loét giác mạc nặng) sử sụng thuốc kháng sinh tra, nhỏ tại chỗ cần phải kết hợp thêm sử dụng thuốc kháng sinh đường uống.
- Đặc biệt trong nhiễm khuẩn nội nhãn nặng và một số loét giác mạc dùng kháng sinh uống phối hợp với tiêm dưới kết mạc… Tiêm kháng sinh vào buồng dịch kính ngày nay được chỉ định nhiều hơn trong điều trị viêm nội nhãn do vi khuẩn.
Khi chọn lựa kháng sinh và đường đưa thuốc cần phải tính đến độ thẩm thấu của thuốc vào tổ chức bị nhiễm khuẩn. Điều này đặc biệt cần thiết trong các nhiễm khuẩn nội nhãn vì nhiều loại kháng sinh không xuyên qua được hàng rào máu – thủy dịch khi dùng dạng tra hoặc toàn thân.
Các kháng sinh nhỏ mắt phổ biến thường dùng trong nhãn khoa
1. Các Quinolon [1] :
Quinolon dùng trong nhãn khoa là thuốc kháng sinh phổ rộng, có tác dụng tốt trên vi khuẩn Gram âm, được dùng nhiều với các chế phẩm nhỏ mắt hoặc tra mắt. Khả năng thâm nhập mô mắt và khả năng dung nạp của bệnh nhân làm cho nhóm thuốc này trở thành loại thuốc chính trong điều trị viêm giác mạc.
Đây là nhóm kháng sinh có nhiều thế hệ tùy theo sự thay đổi cấu trúc phân tử mà mỗi thế hệ quinolon mới sẽ có tác dụng điều trị ưu việt đối với vi khuẩn khác nhau.
Các tác nhân thế hệ thứ nhất và thứ hai, chẳng hạn như norfloxacin 0,3%, ciprofloxacin 0,3% và ofloxacin 0,3%, lần đầu tiên có mặt trên thị trường đầu những năm 1990, trở nên phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực của bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ đa khoa.
Các Quinolon bao gồm: Moxifloxacin, Norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, enoxacin, lomefloxacin, temafloxacin, fleroxacin, tosufloxacin,…
– Phổ tác dụng: Phổ rộng, tác dụng tốt lên vi khuẩn Gram âm và một số vi khuẩn Gram dương.
Hiện nay Quinolon là kháng sinh phổ biến nhất do có những ưu điểm như ít độc tính với biểu mô giác mạc hơn so với kháng sinh aminoglycosid (ngoại trừ Ciprofloxacin dễ gây kết tủa trắng trên giác mạc). Tác động diệt khuẩn nhanh nên hạn chế thời gian cho vi khuẩn kháng thuốc. Khả năng thấm qua giác mạc tốt khi dùng đường tra mắt (nồng độ ofloxacin trong thủy dịch cao hơn so với các thuốc khác). Ít gây phản ứng khi dùng tra mắt
– Chế phẩm: Trên thị trường có lưu hành các chế phẩm Quinolon phổ biến dùng tại mắt như: Ofloxacin 0,3% (Oflovid), Levofloxacin 0,5% (Cravit), Moxifloxacin 0,5% (Vigamox), Gatifloxacin 0,3% ( Zymar )…
2. Các Aminoglycosid: Neomycin, Gentamycin, Tobramycin, Amikacin…
– Phổ tác dụng: Phổ rộng, nhưng tác dụng mạnh hơn trên vi khuẩn Gram âm. Không dễ dàng xâm nhập hàng rào máu – mắt nhưng có thể dùng tra mắt dạng nước, mỡ hoặc tiêm cạnh nhãn cầu.
Khi tra tại mắt trong thời gian dài có thể gây độc với biểu mô giác mạc, trợt biểu mô dạng đốm, chậm liền biểu mô, thiếu máu, phù kết mạc…. Amikacin ít độc hơn so với các aminoglycosid khác.
– Các chế phẩm: Có 3 loại kháng sinh thuộc nhóm này thường được dùng trong nhãn khoa là Neomycin, Gentamycin và Tobramycin.
- Neomycin: là dung dịch, mỡ tra mắt. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng nhất nhưng cũng là kháng sinh có độc tính nhất trong nhóm aminoglycosid. Vì vậy chỉ được dùng trong thuốc tra hoặc phối hợp với corticoid dùng khá phổ biến trong lâm sàng.
- Gentamycin: ống tiêm 40mg/1ml, 80mg/2ml; dung dịch hoặc mỡ tra mắt nồng độ 0,3%. Trên lâm sàng đôi khi sử dụng gentamycin ống tiêm để pha chế thành dung dịch truyền rửa tại mắt cho những trường hợp nhiễm khuẩn giác mạc nặng do trực khuẩn mủ xanh có hiệu quả tốt.
- Tobramycin (Tobrex, Tobrin): Được dùng dưới dạng dung dịch hoặc mỡ tra mắt nồng độ 0,3%, đơn độc hoặc phối hợp với corticoid.
Tobramycin có phổ kháng khuẩn rộng, hiệu quả cao hơn Gentamycin, đặc biệt với trực khuẩn mủ xanh và ít độc tính hơn. Do vậy mặc dù tình trạng vi khuẩn kháng Tobramycin ngày càng nhiều nhưng đây vẫn là lựa chọn phổ biến trong nhiễm trùng tại mắt.
3. Cloramphenicol
– Phổ tác dụng: Rickettsia, Chlamydia, Mycoplasma… (P. aeruginosa kháng thuốc này)
Cloramphenicol thấm tốt qua biểu mô giác mạc khi tra mắt, qua được hàng rào máu – mắt khi dùng toàn thân. Chỉ định dùng toàn thân chỉ áp dụng khi nhiễm khuẩn nặng đe doạ tính mạng mà vi khuẩn kháng lại hết các thuốc ít độc khác.
– Chế phẩm: Tại mắt, cloramphenicol có dạng mỡ, dung dịch tra mắt 0,4%, hiệu quả cao trong điều trị nhiễm khuẩn ngoài nhãn cầu. [2,3]
4. Các Macrolid
Erythromycin:
– Phổ tác dụng: Phổ rộng nhưng ưu thế trên vi khuẩn Gram dương, tuỳ tác nhân mà có tác dụng diệt khuẩn hoặc kìm khuẩn.
Có thể đưa thuốc theo đường uống hoặc tra mắt song khả năng thấm qua hàng rào máu mắt kém. Thường được chỉ định điều trị các nhiễm khuẩn mạn tính mi mắt hoặc dùng thay thế tetracyclin trong trường hợp người bệnh dị ứng với tetracyclin hoặc trẻ em, đặc biệt có tác dụng điều trị trong bệnh mắt hột và viêm kết mạc do Chlamydia. + Chế phẩm: viên bao phim tan trong ruột hoặc dạng ester hóa, thuốc mỡ tra mắt. [2,3] – Azithromycin:
Điều trị mắt hột ở người lớn, viêm kết mạc do Chlamydia,…
– Chế phẩm: Không có chế phẩm dạng tra mắt. [2]
5. Các kháng sinh khác trong nhãn khoa
Vancomycin:
– Phổ tác dụng: Hiệu lực rất mạnh trên vi khuẩn Gram dương.
Dùng điều trị các nhiễm khuẩn nặng ở người bệnh. Chỉ định dùng cho người bệnh khi dị ứng với penicillin hoặc đã điều trị thất bại không đáp ứng với kháng sinh nhóm penicilin hoặc cephalosporin và điều trị các tụ cầu kháng methicillin.
– Chế phẩm: trên thị trường không có chế phẩm tra mắt, trên lâm sàng, đôi khi sử dụng thuốc tiêm vancomycin pha thành dung dịch tra mắt với nồng độ 50 mg/ml trong điều trị viêm giác mạc nhiễm khuẩn, 5 mg/ml để điều trị viêm kết mạc mi mắt do tụ cầu nhạy cảm; bột pha tiêm 500mg, 1g.
Polymyxin B:
– Phổ tác dụng: là kháng sinh diệt khuẩn, vi khuẩn Gram âm nhạy cảm bao gồm Enterobacter, Klebsiella, P. aeruginosa…
Dùng tra mắt hoặc tiêm mắt để điều trị loét giác mạc.
– Chế phẩm: dạng tra mắt phối hợp với kháng sinh hoặc kháng viêm khác (neomycin, corticoid…) [2]
Bacitracin:
– Phổ tác dụng: Chủ yếu tác dụng trên vi khuẩn Gram dương.
Chủ yếu điều trị viêm bờ mi
– Chế phẩm: dạng mỡ tra mắt, đơn độc hoặc phối hợp với polymyxin và neomycin. [2]
6. Kháng sinh nhỏ mắt kết hợp với Corticoid :
Nhóm này bao gồm loại kết hợp corticoid với kháng sinh như:
– Tobradex chứa Tobramycin ( Kháng sinh ) + Dexamethason ( corticoid ); Chlorocid-H chứa chloramphenicol ( kháng sinh ) + hydrocortison ( corticoid ); Vigadexa ® chứa moxifloxaxin ( kháng sinh ) + dexamethason ( corticoid ),…
– Hoặc kết hợp với 2 hay 3 kháng sinh như: Maxitrol chứa Dexamethason( corticoid ) + Neomycin ( kháng sinh ) + Polymycin B ( kháng sinh );…
Thuốc tiện dùng vì vừa chống nhiễm khuẩn (do kháng sinh), vừa giảm viêm (do corticoid).
Tuy nhiên, thành phần corticoid trong thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên làm giảm hiệu lực của kháng sinh hiện có, làm nặng thêm bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn thứ phát (bao gồm cả virut và nấm)… Corticoid cũng làm chậm quá trình liền vết thương, làm tăng áp lực nội nhãn có khả năng tiến triển thành glocom, tổn thương thị giác, khiếm khuyết thị lực không thường xuyên, hình thành đục thuỷ tinh thể (cataract) dưới bao phía sau, làm mỏng củng mạc dẫn đến thủng nhãn cầu. Tùy theo thành phần và tỷ lệ phối hợp, mỗi biệt dược có hiệu quả và tác dụng phụ ở mức khác nhau.
Vì vậy chỉ dùng loại thuốc này khi mà sự phối hợp với liều lượng tương thích trong sản phẩm đem lại hiệu quả đủ chống nhiễm khuẩn, tác dụng phụ của corticoid chỉ ở mức hạn chế (ví dụ dùng trong nhiễm khuẩn bán phần trước của mắt) chứ không dùng rộng rãi cho mọi nhiễm khuẩn hoặc tổn thương khác (như không thể dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, viêm kết mạc do nhiễm siêu vi, nhiễm nấm, tổn thương nhãn cầu do lao, loét giác mạc củng mạc).
KÉT LUẬN:
Kháng sinh nhỏ mắt cần phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Do không thấy ý nghĩa quan trọng của thuốc nhỏ mắt, lại chưa hiểu hết các tác dụng phụ, nhiều người dùng kháng sinh nhỏ mắt tuỳ tiện rất dễ gây tai biến.
Cuối cùng, trong thời đại kháng kháng sinh ngày nay, nhu cầu đáng kể về các loại kháng sinh mới trong nhãn khoa cũng như hệ thống phân phối thuốc nhỏ mắt được cải thiện để duy trì các lựa chọn điều trị đầy đủ nhằm ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm đe dọa thị lực.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế (2006), Nhãn khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục.
- Đỗ Như Hơn, Nhãn khoa Tập 3 (2012), Nhà Xuất bản Y học.
- American Academy of Ophthalmology, Fundamentals and Principles of Opthalmology, Section 2 (2004-2005).
- Joseph Francis Duane, Duane’s Ophthalmology, 2006 Edition.
- Roger G. Finch, Antibiotic and Chemotherapy, 9th Edition.
- [ 1 ] Rachel A.F. Wozniak & James V. Aquavella (2017): Antibiotics in Ophthalmology Practice, Expert Review of Ophthalmology