Hình thức học online ngày càng trở nên phổ biến hơn, do vậy làm tăng thời gian mắt của trẻ phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho mắt. Vấn đề đặt ra là bố mẹ cần phải bảo vệ mắt của trẻ như thế nào để trẻ không bị mệt mỏi, căng thẳng thị giác sau các chương trình học online kéo dài hàng ngày.
Trong bài viết này, GoMed xin gửi đến quý phụ huynh một số lưu ý quan trọng để bảo vệ mắt của trẻ khi học online.
I. Nguyên nhân “hại mắt của trẻ” do nhìn màn hình trong thời gian dài
Nếu như học tại trường mắt trẻ được điều tiết giữa sách, vở trước mặt và bảng ở xa. Thì việc sử dụng các thiết bị điện tử khiến mắt trẻ luôn phải tập trung vào màn hình, về lâu dài dễ dẫn đến nhiều nguy cơ cho mắt.
Dấu hiệu nhận biết của việc trẻ bị “quá tải” ở mắt là trẻ bị đau đầu, nhìn mờ, dụi mắt thường xuyên hoặc mệt mỏi, nháy mắt liên tục khi ngồi trước máy tính. Lâu ngày dẫn đến cận thị từ nhẹ đến nặng, thoái hóa võng mạc, lác,…
Chuyên gia cho biết, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại sẽ tấn công trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào võng mạc hơn khi ở trong phòng tối hoặc thiếu sáng, có thể gây chết các tế bào thị giác, không chỉ khiến tăng độ cận thị mà còn có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc dẫn đến suy giảm thị lực.
Bên cạnh đó còn do tác hại của:
- Chiếu sáng kém hoặc quá nhiều, kèm với các tia phản xạ từ màn hình.
- Khoảng cách nhìn không đúng.
- Ngồi sai tư thế.
- Mắt có tật khúc xạ: Viễn thị, loạn thị, lão thị hay các rối loạn về điều tiết.
- Giảm lượng nước mắt đến giác mạc do giảm số lần chớp mắt hoặc bị khô mắt.
Do đó, cha mẹ cần sớm có biện pháp bảo vệ mắt cho con trẻ để ngăn ngừa các tật khúc xạ.
II. Bảo vệ mắt của trẻ khi học trực tuyến
Đôi mắt phải hoạt động, điều tiết liên tục khi học tập trước máy tính nên rất dễ rơi vào tình trạng nhức mỏi, đỏ, khô ngứa…
Đặc biệt ở trẻ, mắt rất dễ bị tổn thương. Do đó với việc học online nhiều thì bạn cần phải giữ khoảng cách, điều chỉnh độ sáng,… để giúp cho mắt trẻ được an toàn khi học online lâu dài.
Để tránh gây hại cho mắt, cha mẹ cần phải lưu ý:
* Nguyên tắc sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử đúng cách
1. Ngồi đúng tư thế khi sử dụng các thiết bị điện tử
Khi ngồi học online trước màn hình máy tính, trẻ thường có thói quen gù lưng, rướn cổ về phía trước để nhìn rõ hơn. Tư thế ngồi không tự nhiên này không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn gây đau cổ vai gáy nếu trẻ học trong thời gian dài.
Theo Medical News Today, khi ngồi trước máy tính, trẻ nên ngồi thẳng lưng, vai hóp lại và mông chạm vào cuối ghế, để tránh bị vẹo cột sống, gù lưng, mỏi cổ, mỏi mắt. Không ngồi khoanh chân vì điều này sẽ làm hạn chế lưu lượng máu. Góc nhìn màn hình nên chếch góc 15 độ, không được để ngang mặt hay cao quá đối với trẻ. Cự li khi sử dụng màn hình nên là 1,5 lần đường chéo của màn hình đó, tức là khoảng 50 – 80 cm với máy tính. Ngoài ra, bố mẹ cần chú ý bàn ghế ngồi học của con. Ngồi quá thấp so với bàn học và máy tính sẽ khiến trẻ nhanh bị mỏi mắt.
Còn với thiết bị Ipad hay điện thoại thông minh thì cự li sẽ phải gần hơn nhưng theo tôi các phụ huynh nên hạn chế cho con sử dụng các thiết bị này vì màn hình quá bé, gây mỏi mắt.
2. Điều chỉnh hiển thị ánh sáng trên máy tính:
Khuyến cáo nên học trong phòng đủ ánh sáng để giảm mỏi mắt. Để tránh cho mắt trẻ không phải điều tiết quá nhiều, bạn cần điều chỉnh độ sáng màn hình ở mức độ trung bình, vừa phải với ánh sáng trong phòng. Không nên tăng độ sáng màn hình lên quá cao, vì như vậy sẽ gây kích ứng mắt của trẻ. Còn nếu bạn để ánh sáng quá thấp sẽ gây hiện tượng trẻ cảm thấy mỏi mắt.
Về việc này, các phụ huynh, học sinh kiểm tra bằng cách tạo một file word rồi so sắc màu trắng của trang này với màu sắc trắng của ánh sáng tự nhiên. Nếu màu sắc màn hình sáng hơn màu sắc trắng của tự nhiên thì giảm bớt xuống một chút giúp mắt nhìn dễ chịu hơn.
Hơn nữa, màn hình máy tính hoặc kính cận của trẻ em đeo cần có lớp màng lọc ánh sáng xanh. Điện thoại dùng để học trực tuyến cũng nên có chế độ chặn ánh sáng xanh. Bạn có thể trang bị một chiếc đèn bàn gần màn hình để đảm bảo độ sáng xung quanh luôn ổn định.
3. Hạn chế thời gian nhìn vào màn hình
Với trẻ lớn phải học tập online, cha mẹ nên khuyến khích trẻ dùng điện thoại ở mức độ vừa phải. Thời gian làm việc bằng mắt, thời gian học hành của con cái, tổng lượng học hành của trẻ bằng các thiết bị có màn hình không quá 5 tiếng/ngày. Nhưng với tình trạng học hành của học sinh ngày nay thì có thể lên đến 7 – 8 giờ, thậm chí có thể lên tới 10 – 12 giờ/ngày. Như vậy rất đáng ngại cho mắt của trẻ.
Các giờ học online nên tránh từ 17 – 19 giờ, 7 – 9 giờ , 11 – 13 giờ. Khung giờ này trùng đúng điểm rơi của sinh lý cơ thể cũng như cơ quan thị giác, thích hợp với nghỉ ngơi chứ không phải học hành.
Để bảo vệ mắt cho trẻ, mỗi học sinh cần ngồi giãn cách trước màn hình, nghỉ ngơi xen kẽ.
4. Khuyến khích trẻ thực hiện theo quy luật 20 – 20 – 20
Các vấn đề về thị lực xảy ra do trẻ tập trung vào màn hình trong thời gian quá lâu. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ cho mắt nghỉ ngơi giữa các tiết học online kéo dài. Trẻ cũng nên dành thời gian giải lao khỏi các thiết bị điện tử, phơi nắng ở ban công hoặc hoạt động ngoài trời để mắt điều tiết về trạng thái bình thường.
Quy tắc này giúp mắt được thả lỏng, hệ thần kinh được thư giãn, hạn chế tình trạng nhức mỏi, ngăn mắt không bị tổn thương.
5. Tránh nhìn màn hình trước khi đi ngủ và không học trong phòng tối
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo nên tránh tiếp xúc với màn hình 1 giờ trước khi đi ngủ. Ngoài ra, học tập trong phòng thiếu ánh sáng sẽ khiến mắt mệt mỏi vì mắt cùng lúc phải điều tiết để phù hợp với độ sáng của màn hình và bóng tối của môi trường xung quanh.
6. Giữ màn hình sạch sẽ
Thường xuyên vệ sinh, lau chùi bằng các dung dịch chuyên dụng để giữ cho màn hình máy tính được sạch sẽ, tránh bụi bẩn bay vào mắt khi tiếp xúc gần.
7. Sử dụng kính bảo vệ mắt
Để có được sự thoải mái nhất khi sử dụng máy vi tính, bạn có thể xem xét sử dụng kính bảo vệ mắt được thiết kế để bảo vệ đôi mắt người dùng trước màn hình máy tính. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn đeo kính áp tròng, bởi chúng có thể khiến mắt bị khô và khó chịu khi làm việc online lâu.
* Chăm sóc và bảo vệ mắt trẻ khi sử dụng máy tính
1. Chườm ấm cho đôi mắt của trẻ
Sau một ngày học online căng thẳng, sẽ rất tuyệt nếu đôi mắt trẻ được thư giãn vãi phút bằng cách chườm ấm và massage mắt. Khoa học đã chứng minh chườm ấm mắt giúp làm tăng tuần hoàn quanh mắt, giúp giảm nhức mỏi và căng thẳng của mắt của trẻ em và người lớn.
Sử dụng các miêng chườm ấm thông dụng, máy chườm ấm thông minh, làm 2 – 3 lần/ngày. Điều này sẽ giúp làm loãng những chất tiết có dầu ở tuyến bờ mi, lưu thông tuyến mebumian, làm giảm tình trạng khô mắt.
Lưu ý: Hạn chế sử dụng các phương pháp truyền thống như dùng khăn lau mặt nhúng nước ấm, trứng nóng, cơm nóng. Bởi việc sử dụng khăn mặt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt của trẻ, lưu lại các sợi bông li ti trên mí mắt. Hay sử dụng trứng nóng, cơm nóng sẽ khiến mức nhiệt nóng quá gây kích ứng mắt cho những vùng nhạy cảm của trẻ . Từ đó không đạt được hiệu quả mong muốn.
2. Chớp mắt thường xuyên và nhỏ mắt
Ngoài quy tắc trên, hành động chớp mắt thường xuyên cũng rất quan trọng khi ngồi lâu trước máy tính.
“Khi trẻ em học trực tuyến, tần suất chớp mắt thấp hơn mức bình thường, đồng nghĩa với lớp nước mắt trên mắt bị dàn ít đi. Để cải thiện tình hình, phụ huynh có thể dùng nước mắt nhân tạo được bán trên thị trường; nhưng phải theo sự tư vấn của bác sĩ chứ đừng tự mua về tra” – Theo Bác sĩ Lương Đại Dương – Bệnh viện mắt Hà Nội
Vì vậy, Phụ huynh cần hướng dẫn cho con tập các động tác về mắt như đảo mắt, mở to, nhắm mắt, xoa tay áp lên mắt, massage đôi mắt mỗi ngày … Chớp mắt một cách chậm rãi có thể giúp ngăn ngừa chứng khô mắt.
3. Hấp thụ ánh sáng tự nhiên ở ngoài trời
Bác sĩ nhãn khoa khuyến khích các gia đình tận dụng tối đa môi trường xung quanh nhà để trẻ được hấp thụ ánh sáng tự nhiên cho mắt, bằng cách ngồi học trước cửa sổ, hoặc giải lao ở sân vườn hoặc ban công trong nhà.
Đây là một trong những cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả nhất, đặc biệt đối với căn bệnh cận thị. Vì vậy, hãy để trẻ dành thời gian ở ngoài trời, nhìn những vật ở xa là rất quan trọng. Thời gian ở ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời cũng hữu ích cho sức khỏe của cơ thể với việc tăng sản xuất vitamin D, tăng cường khả năng miễn dịch…
4. Các thực phẩm bổ sung cần thiết
Theo các chuyên gia y tế, một chế độ ăn uống cân bằng tốt là vô cùng quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt đối với trẻ em.
Một đôi mắt khỏe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, việc bổ sung những thực phẩm giàu Vitamin A, C, E, Lutein, Zeaanthin, khoáng chất và axit béo omega 3 là rất quan trọng. Các chất này có tự nhiên trong các thực phẩm cà rốt, củ rền, xoài, đu đủ, trái cây họ cam quýt, ray lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, hải sản, cá hồi…
Tốt nhất, cha mẹ nên cho trẻ ăn những loại vitamin này ở dạng tự nhiên hơn là cung cấp cho các chất bổ sung. Như vậy sẽ giúp chống mỏi mắt, chống thoái hóa võng mạc, hạn chế bị cận thị. Trường hợp bé có nguy cơ bị cận cao, bị khô mắt gây mỏi mắt, có thể bổ sung thực phẩm chức năng bổ mắt.
Do vậy có thể sử dụng thực phẩm chức năng ở liều lượng phù hợp với độ tuổi. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo khi chưa có hướng dẫn của bác sỹ.
5. Đi khám mắt định kỳ
Nên đi khám mắt định kỳ từ 3 đến 6 tháng, tại các các bệnh viện mắt chuyên khoa để được điều trị và tư vấn chế độ học tập, sinh hoạt một cách phù hợp nhất. Việc điều chỉnh kính cho phù hợp vì đeo sai số kính cũng là một nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi